Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Cách viết gia phả họ Nguyễn

GIA PHẢ HỌ NGUYỄN
Thờ đức tủy tổ Nguyễn Khâm (Hiệu Bạch Mao)
1- Một gia phả hoàn chỉnh bao gồm những gì ?
  Trước hết, phải có thông tin về người sao lục (biên soạn ) là ai, tên gì, thuộc đời thứ mấy, triều vua nào, năm nào… và tên người tục biên qua các đời cũng có cước chú rõ ràng.
  Tiếp theo, là phả ký hay là gia sử. Nêu nguồn gốc xuất xứ của gia tộc.
  Tiếp theo, là Thuỷ tổ của dòng họ.
  Sau đó, là từng phả hệ phát sinh từ Thuỷ Tổ cho đến các đời con cháu sau này. Đây là phần quan trọng nhất của gia phả. Có phần phả đồ, là cách vẽ như một cây, từng gia đình là từng nhánh, từ gốc đến ngọn cho dễ theo dõi từng đời. Đối với tiền nhân có các mục sau đây:
  • Tên: Gồm tên húy, tên tự, biệt hiệu, thụy hiệu và tên gọi thông thường theo tập quán địa phương? Thuộc đời thứ mấy?
  • Con trai thứ mấy của ông nào? Bà nào?
  • Ngày tháng năm sinh (có người còn ghi được cả giờ sinh).
  • Ngày, tháng, năm mất? Thọ bao nhiêu tuổi?
  • Mộ táng tại đâu? (có người ghi được cả nguyên táng, cải táng, di táng tại đâu? Vào tháng, năm nào?).
  • Học hành, thi cử, đậu đạt, chức vụ, địa vị lúc sinh thời và truy phong sau khi mất: Thi đậu học vị gì? Khoa nào? Triều vua nào? Nhận chức vị gì? năm nào? Được ban khen và hưởng tước lộc gì? Sau khi mất được truy phong chức gì? Tước gì? (Đối với những vị hiển đạt thì mục này rất dài. Ví dụ trong Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả, chỉ riêng Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, mục này đã trên mười trang)
  • Vợ: Chánh thất, kế thất, thứ thất... Họ tên, con gái thứ mấy của ông nào, bà nào? Quê ở đâu? Các mục ngày, tháng, năm sinh, ngày, tháng, năm mất, tuổi thọ, mộ, đều ghi từng người như trên. Nếu có thi đậu hoặc có chức tước, địa vị, được ban thưởng riêng thì ghi thêm.
  • Con: Ghi theo thứ tự năm sinh, nếu nhiều vợ thì ghi rõ con bà nào? Con gái thì cước chú kỹ: Con gái thứ mấy, đa lấy chồng thì ghi tên họ chồng, năm sinh, con ông bà nào, quê quán, đậu đạt, chức tước? Sinh con mấy trai mấy gái, tên gì? (Con gái có cước chú còn con trai không cần vì có mục riêng từng người thuộc đời sau).
  • Những gương sáng, những tính cách, hành trạng đặc biệt, hoặc những công đức đối với làng xa, họ hàng, xóm giềng... Những lời dạy bảo con cháu đời sau (di huấn), những lời di chúc…
  • Ngoài những mục ghi trên, gia phả nhiều họ còn lưu lại nhiều sự tích đặc biệt của các vị tiên tổ, những đôi câu đối, những áng văn hay, những bài thuốc gia truyền...đó là những tài sản qúy giá mà chúng ta để thất truyền, chưa biết khai thác.
Tiếp theo, là tộc ước. Đây là những quy định-quy ước trong tộc họ, đặt ra nhằm ổn định tộc họ, có công thưởng, có tội phạt , tất nhiên là phải phù hợp với luật pháp chung.
Với một tộc họ lớn, có thể có nhiều tông nhánh, chi phái. Phần này sẽ ghi những thông tin chi phái, ai là bắt đâu chi, chi hiện ở đâu, nhà thờ chi…
Những thông tin khác về tài sản hương hỏa, bản đồ các khu mộ tiền nhân v.v.

2- Tình hình gia phả họ Nguyễn
Gia phả họ Nguyễn do cụ Nguyễn Danh Thiệu đời thứ 16 sưu tầm, nghiên cứu và soạn lại lần 01 năm 1973. Gia phả viết tay, không được in ấn, đóng quyển để lưu giữ cho con cháu đời sau. Trong gia phả chỉ chú trọng đến con trai, ít chú trọng đến con gái. Các thông tin về từng người cũng còn thiếu, chưa được đầy đủ nên khi xem gia phả khó hình dung được.
Ví dụ: trong gia phả họ Nguyễn Danh thuộc cành thứ, chi Nam, phái thứ, trưởng tự Nguyễn Danh Voòng, đời 18, có ghi chép như sau:
Cụ Nguyễn Danh Mộng đời thứ 15, sinh năm 1909, là con thứ 3 của cụ Danh Khái.
Vợ là Đỗ Thị Lừng, sinh năm 1912
Các con là: 1- Danh Thóa
 2- Danh Ninh (LS)
 3- Danh Tuấn
 4- Danh Dũng
 5- Thị Tuyết
 6- Thị Nguyệt Anh
 7- Thị Sinh
 8- Thị Báu
 9- Thị Dung
Trong gia phả chỉ có thông tin như vậy, lại xắp xếp thứ tự hết con trai mới đến con gái, không theo thứ tự anh chị em trong gia đình nên không biết ai là anh, ai là chị, ai là em v.v… nếu như không bổ sung thêm thông tin của từng người bên cạnh (Ngày tháng năm sinh). Trong khi đó những người con trai không lập gia đình và những người con gái trong gia phả khi viết tiếp sang đời sau là không có thông tin gì nữa. Chỉ những người con trai lập gia đình thì mới được viết tiếp thông tin của từng người: Ngày tháng năm sinh, con thứ mấy của ông, bà nào, có mấy con v.v…
Ở nước ta, các dòng họ vẫn theo chế độ Phụ hệ là chính, nhưng trong gia phả cũng nên có đầy đủ thông tin về người nữ: nếu người nữ là con cháu trong họ gả sang họ khác, thì gia phả phải có thông tin về người chồng như tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, con ông bà nào, ngày tháng năm sinh, nơi sinh. Sau đó là lưu dữ liệu về các con của người nữ đó đến đời cháu mới thôi (vì đã hoàn toàn theo họ khác). Nếu người nữ về làm dâu họ mình thì cũng lưu ngày tháng năm sinh của bà ta và họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh của cha mẹ bà ấy. Còn đối với dân ta, đã gả con gái đi coi như là xong ! Thậm chí các bà dâu về họ mình cũng chẳng được ghi chép gì cả ! Vậy cũng quá là vô tình, vì không có các bà ấy thì ai đẻ ra chúng ta đây ?
Để làm được cuốn gia phả hoàn chỉnh như trên, việc này chắc chắn cần phải có sự giúp sức của các vị tôn trưởng lập bản kê khai, phát cho mọi người, nếu không trong họ sẽ có không ít người không nhiệt tình đâu !
Nhân ngày giỗ tổ 29/3 năm Tân mão 2011, trưởng tộc Nguyễn Bá Nhật kêu gọi mọi người ở các chi, phái trong toàn họ hãy tham gia đầy đủ, kê khai gia phả chi tiết gia đình để đóng góp cho dòng họ hoàn thành được quyển gia phả này.

Hải Phòng, ngày 22 tháng 04 năm 2011
Trưởng ban thường trực



NGUYỄN DANH PHÚ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.